Tin tức

GIC là tổ chức đánh giá sự phù hợp, hoạt động trong lĩnh vực Thử nghiệm - Giám định - Chứng nhận

Những Rắc Rối Về Thủ Tục Hành Chính Đang Tiếp Tục Cản Trở Các Doanh Nghiệp.


Những rắc rối về thủ tục hành chính đang tiếp tục cản trở các doanh nghiệp. 

Đến doanh nghiệp trong nước còn nhận thấy thủ tục hành chính ở Việt Nam như “ma trận”, huống chi các nhà đầu tư nước ngoài.

“Một nhà đầu tư từ khi có ý định đầu tư dự án đến khi xây dựng nhà máy phải đụng đến bốn lĩnh vực: đầu tư, đất đai, môi trường và xây dựng. Để thực hiện, nhà đầu tư phải trải qua một quy trình bao gồm một loạt thủ tục hành chính với sự điều chỉnh của năm bộ luật, 10 nghị định, chín thông tư và còn một số lượng lớn văn bản hướng dẫn cấp tỉnh không thể kể hết. Chỉ tính riêng giai đoạn đầu để bước vào thị trường, nhà đầu tư phải thực hiện ít nhất 18 loại thủ tục hành chính chính thức”.

Đó là nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế - Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), tại hội thảo Một số giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư vào sáng 20-8.

33 loại thủ tục

Ông Nguyễn Hùng Huế, Phó Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính khối kinh tế ngành - Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp), cho hay theo quy định, quy trình thủ tục hành chính thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất đơn giản hơn cũng phải trải qua 17 thủ tục hành chính với tổng thời gian thực hiện từ 155 đến 340 ngày. Dự án sử dụng đất ngoài còn phức tạp hơn, phải thực hiện 33 loại thủ tục hành chính và mất gần hai năm mới có thể hoàn thành.

Thực hiện đúng theo quy định đã là một hành trình không dễ, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN), thực tế còn trần ai hơn nhiều!

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Phó Chủ tịchHiệp hội Nhà thầuViệt Nam, cho biết chỉ riêng thủ tục chấp nhận đầu tư đã không có chuyện “30 ngày là xong” như quy định bởi thực tế không ở đâu thực hiện xong trước 60 ngày. “DN muốn đầu tư nộp hồ sơ lên Sở Kế hoạch và Đầu tư nhưng sở đâu có quyền quyết mà chỉ tham mưu cho ủy ban. Chỉ giai đoạn tiếp nhận hồ sơ rồi trình ủy ban đã mất 40 ngày. Sau đó DN còn gửi đi các sở, ngành liên quan để lấy ý kiến, xác minh nhanh mất cả tháng. Đến khi ra được thủ tục hoàn chỉnh phải mất 14 tháng chứ không chỉ có 156 ngày như quy định nêu đâu!” - ông Hiệp kể.

Một DN khác cũng cho biết đã phải trải qua 34 bước và mất từ 500 đến 800 ngày mới xong tất cả thủ tục đầu tư cho một dự án. Có DN phàn nàn dự án của mình được nghiên cứu từ năm 2007 đến nay vẫn chưa xong phần thủ tục.

Pháp luật chồng chéo

Phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhiều ý kiến nhìn nhận do xuất phát từ hệ thống pháp luật quy định chồng chéo, thiếu thống nhất. Thêm vào đó là quy trình phức tạp, nhiều đầu mối giải quyết dẫn đến hồ sơ trùng lắp, mỗi nơi mỗi kiểu…

Theo ông Tuấn, quy định “một cửa” nhưng lại không có cơ chế chia sẻ thông tin nên nhà đầu tư phải gặp nhiều cơ quan khác nhau cho cùng một thủ tục. Mỗi sở có nhiều phòng ban và nhà đầu tư phải đi gặp nhiều phòng ban trong cùng một cơ quan để được thụ lý thủ tục. Thậm chí mỗi phòng ban có bao nhiêu cán bộ thì nhà đầu tư vẫn phải gặp bấy nhiêu cán bộ đó. “Quả là một hành trình không hề dễ dàng với DN. Có khi chẳng may trong quy định giải quyết thủ tục có một cán bộ nào đấy đi công tác nước ngoài thì quá trình bị gián đoạn, hoặc nhà đầu tư phải chạy vòng vòng giữa các cơ quan để làm thủ tục” - ông Tuấn nêu thực tế.

VCCI cũng nêu lên một lo ngại khác là dấu hiệu nhân danh tăng cường quản lý để làm xuất hiện trở lại nhiều loại thủ tục hành chính đã bị bãi bỏ dưới dạng điều kiện kinh doanh, giấy phép hành nghề thực chất không làm tăng hiệu lực và hiệu quả quản lý. Một số tỉnh, thành tự ban hành nhiều văn bản làm phát sinh thêm nhiều thủ tục hành chính như quy hoạch ngành, sản phẩm, các điều kiện kinh doanh…

“Các cơ quan nhà nước đang có bệnh ban hành thông tư hướng dẫn tràn lan. Bộ nào cũng có quyền ban hành thông tư theo ý mình. Chính điều này làm môi trường đầu tư thêm sút giảm. Chúng tôi là DN trong nước còn cảm thấy các thủ tục hành chính như một ma trận huống gì các nhà đầu tư nước ngoài!” - ông Hiệp nhấn mạnh.

TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết câu chuyện cải cách thủ tục hành chính được đề cập nhiều năm rồi, nói nhiều rồi nhưng làm chưa tốt. Năm nào cũng nói đột phá nhưng thực tế chỉ đột chứ chưa phá. “Nếu còn dựa vào bộ máy hành chính để cải cách thủ tục hành chính thì khó mà đột phá. Muốn cải cách cần phải dựa vào tổ tư vấn độc lập như VCCI và các chuyên gia độc lập khác” - ông Cung lưu ý.

(theo Báo Pháp luật TP. HCM - Thu Hằng)

Chia sẻ: