Báo cáo ESG
Báo cáo Môi trường, Xã hội và Quản trị (Báo cáo ESG) là tài liệu được doanh nghiệp công bố để thông tin về các hoạt động và kết quả liên quan đến: Môi trường - Environmental, Xã hội - Social và Quản trị doanh nghiệp - Governance. Đây là các yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ bền vững và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng và các bên liên quan.
- Môi trường (Environmental): Bao gồm các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường như quản lý khí thải, sử dụng tài nguyên, bảo vệ sinh thái và các biện pháp chống biến đổi khí hậu.
- Xã hội (Social): Tập trung vào các vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp như quyền lợi CBNV, điều kiện làm việc, an toàn lao động và đóng góp cho cộng đồng.
- Quản trị (Governance): Mô tả về tổ chức bộ máy, phương thức và các quá trình quản trị, bao gồm chính sách quản lý rủi ro, đạo đức kinh doanh, sự minh bạch và tham gia của các cổ đông trong quản lý doanh nghiệp.
Báo cáo ESG thường được dùng để cung cấp thông tin toàn diện cho nhà đầu tư và các bên liên quan về năng lực và kết quả hoạt động của doanh nghiệp, không chỉ về sản xuất - kinh doanh, tài chính mà còn về tác động xã hội và môi trường. Thông qua đó, các bên có thể đưa ra quyết định đầu tư có trách nhiệm.
Quá trình lập báo cáo ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) thường bao gồm các bước chính sau:
1. Xác định mục tiêu và phạm vi:
- Xác định lý do và mục tiêu của việc lập báo cáo ESG (vd: tăng cường sự minh bạch, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tuân thủ quy định pháp luật).
- Xác định phạm vi báo cáo, bao gồm các lĩnh vực môi trường, xã hội và quản trị cần báo cáo và thời gian báo cáo.
2. Thu thập và phân tích dữ liệu:
- Thu thập dữ liệu từ các phòng ban, đơn vị liên quan: dữ liệu về khí thải, tiêu thụ năng lượng, thực hiện chính sách xã hội và quản trị doanh nghiệp.
- Sử dụng các chỉ số chính (KPIs) về ESG phù hợp với ngành, lĩnh vực hoặc tiêu chuẩn, chế định áp dụng.
3. Đánh giá tác động và hiệu quả:
- Phân tích dữ liệu thu thập được để đánh giá tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội và các tiêu chuẩn quản trị.
- Đánh giá mức độ hiệu quả của các chính sách và biện pháp đã thực hiện, xác định các điểm mạnh và điểm yếu.
4. Xây dựng nội dung báo cáo:
Dự thảo nội dung báo cáo, tập trung trình bày kết quả đạt được, những thách thức và các kế hoạch hành động tương lai. Báo cáo ESG thường bao gồm các phần cơ bản sau:
- Tổng quan về doanh nghiệp và mục tiêu báo cáo.
- Tóm tắt các kết quả chính và tác động của các hoạt động ESG doanh nghiệp đã thực hiện.
- Những thách thức, rủi ro liên quan đến ESG và biện pháp giảm thiểu.
- Ý kiến/phản hồi từ các bên liên quan: nhà đầu tư, cộng đồng, CBNV,...
- Các mục tiêu, chỉ tiêu ESG cần đạt được và kế hoạch thực hiện.
- Phụ lục về các chỉ số; tài liệu tham khảo.
5. Kiểm tra xác nhận thông tin:
- Kiểm tra lại dữ liệu và nội dung báo cáo để đảm bảo tính chính xác, minh bạch và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
- Doanh nghiệp có thể mời bên thứ ba kiểm tra xác nhận (khi cần thiết) để nâng cao độ tin cậy.
6. Phê duyệt và công bố báo cáo:
- Hoàn thiện, trình Lãnh đạo phê duyệt.
- Công bố báo cáo bằng hình thức phù hợp: trang web, gửi các nhà đầu tư, hội nghị, hội thảo…
Báo cáo ESG mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, từ việc nâng cao uy tín và hình ảnh thương hiệu, xây dựng lòng tin với nhà đầu tư và khách hàng đến thu hút các quỹ đầu tư. Không chỉ đáp ứng các yêu cầu pháp lý và tăng tính minh bạch, báo cáo ESG còn giúp doanh nghiệp nhận diện và quản lý rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị, từ đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Việc công bố ESG cũng khẳng định cam kết của doanh nghiệp đối với các giá trị xã hội và phát triển bền vững, tạo lợi thế cạnh tranh trong thị trường toàn cầu.
Quý khách hàng có nhu cầu hỗ trợ lập báo cáo ESG, vui lòng liên hệ:
GIC VIỆT NAM
12F, 14 Láng Hạ Building, Quận Ba Đình, Hà Nội
Tel: 024.6275 2268, Fax: 024.6275 2269, Email: tuandm@gicvn.vn
VP tại TP. Hồ Chí Minh: R502, 160 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Tel: 028.39307936