Trong hành trình khám phá không gian, SpaceX - một công ty không gian tư nhân do Elon Musk thành lập vào năm 2002, đã thiết lập chuẩn mực mới trong ngành với những tiến bộ công nghệ khai phá và đạt được những thành tựu mà nhiều cơ quan vũ trụ quốc gia chưa từng đạt được. Công ty không chỉ hiện thực hóa thành công khái niệm "tên lửa tái sử dụng" mà còn giảm chi phí khám phá không gian thông qua phương pháp thiết kế và sản xuất độc đáo của mình. Đổi mới sáng tạo của SpaceX không chỉ giới hạn ở công nghệ tên lửa mà còn bao gồm tối ưu hóa quy trình phóng và các cơ sở hạ tầng.
Nghiên cứu về đổi mới sáng tạo khai phá (disruptive innovation) cho thấy các công ty truyền thống thường quá tập trung vào thị trường chính thống, mà bỏ qua những tiềm năng công nghệ mới và đã để các doanh nghiệp mới chiếm lĩnh thị trường bằng cách phát triển các công nghệ bị bỏ sót. Đổi mới sáng tạo khai phá thường gồm hai cách tiếp cận: khai phá về thị trường và khai phá về công nghệ, trong đó đổi mới mô hình kinh doanh là biểu hiện bên ngoài của khai phá về thị trường. Còn những kết quả đột phá sáng tạo thường dựa trên sự phát triển của công nghệ khai phá, như mô hình thương mại điện tử được sinh ra từ công nghệ kỹ thuật số.
SpaceX là một trường hợp đặc biệt, khi người sáng lập Elon Musk đã áp dụng cách tiếp cận đổi mới sáng tạo khai phá rất độc đáo. Khác với các công ty không gian truyền thống, Elon Musk không đi vào phát triển công nghệ đột phá trong phòng thí nghiệm không gian, mà thúc đẩy đổi mới sáng tạo khai phá để hiện thực hóa giấc mơ không gian của mình. Là một công ty vận chuyển không gian, SpaceX đã thoát khỏi mô hình sản xuất truyền thống và chọn đảm nhận các khâu quan trọng trong thiết kế, phát triển, sản xuất tên lửa và tàu vũ trụ, đặc biệt là thúc đẩy phát triển một loạt công nghệ khai phá như công nghệ tái sử dụng, internet vệ tinh. Thông qua cách tiếp cận độc đáo này, SpaceX đã phá vỡ nghịch lý đổi mới về “chi phí thấp, chất lượng cao” mà NASA đã rất khó khăn để đạt được.
Khác với hệ thống phân công lao động và hợp tác truyền thống, SpaceX áp dụng tư duy đột phá toàn diện, thiết kế lại các quá trình, nguồn lực, chuỗi cung ứng và văn hóa doanh nghiệp. Tư duy đột phá này cho phép SpaceX đạt được những kết quả đổi mới khai phá trong ngành công nghiệp không gian truyền thống từ quan điểm của đổi mới mô hình kinh doanh. Bằng cách tự phát triển công nghệ và theo đuổi phát triển bền vững, SpaceX đã định nghĩa lại logic sản xuất - kinh doanh của ngành công nghiệp không gian.
Đổi mới sáng tạo khai phá chủ yếu tập trung vào hai khía cạnh là công nghệ và thị trường. Khái niệm đổi mới công nghệ khai phá do Schumpeter lần đầu tiên đề xuất, nhấn mạnh việc tạo ra các công nghệ mới hoặc khai phá thông qua việc tổ chức lại những tri thức hiện có, điều này sẽ tác động phá hủy tới cơ cấu công nghiệp hiện tại và thúc đẩy sự ra đời của các ngành công nghiệp mới. Tuy nhiên, sự khai phá về mô hình đổi mới có thể đẩy người đi đầu vào tình thế khó khăn nếu bị hạn chế về nguồn lực, do đó việc tạo ra không gian giá trị mới xung quanh công nghệ khai phá trở thành chìa khóa để khai phá thành công. Ví dụ như Nokia đã không thích nghi được với công nghệ mới và trở thành nạn nhân của sự đổi mới của Apple. Trong tiến trình phát triển công nghệ, cơ hội của công nghệ sẽ thay đổi theo thời gian, doanh nghiệp có thể sử dụng những công nghệ đã trưởng thành hoặc theo đuổi công nghệ mới để đổi mới sáng tạo. So với các công ty hiện hữu, công ty mới và start-up ít bị ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc vào công nghệ đang sử dụng và có cơ hội cao hơn để trở thành những người dẫn đầu trong ngành và lấn át các công ty hiện hữu.
Đổi mới mô hình kinh doanh có thể được thực hiện theo ba cách: thêm hoạt động mới, kết nối các hoạt động theo những cách mới hoặc thay đổi cách thực hiện các hoạt động. Ví dụ, IBM đã thay đổi mô hình kinh doanh bằng cách chuyển từ cung cấp phần cứng sang cung cấp dịch vụ với một loạt các sản phẩm mới. Xiaomi đã tạo ra mô hình kinh doanh hoàn toàn mới bằng cách thiết lập các liên kết kinh doanh đa chiều cùng cơ chế phản hồi ngược dựa trên nhu cầu. Trong lĩnh vực giao hàng nhanh, việc sử dụng drone để giao hàng thay thế phương thức phân phối truyền thống giúp tạo ra giá trị lớn, giảm chi phí quản trị hệ thống, và nâng cao hiệu quả giao hàng.
Đổi mới mô hình kinh doanh khai phá là một quá trình trong đó doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt dựa trên giá trị tạo ra, tạo ra sự hủy diệt đối với các đối thủ cạnh tranh thông qua việc định nghĩa lại sản phẩm, dịch vụ và lựa chọn lại các kênh cung cấp. Amazon lấn át đối thủ cạnh tranh bằng cách định nghĩa lại nội hàm dịch vụ của mình. Sự đổi mới mô hình kinh doanh khai phá này là động lực quan trọng để doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh bền vững và giúp đạt được tăng trưởng đột phá trong lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình.
Nhờ những nỗ lực đổi mới sáng tạo và phát triển liên tục, SpaceX đã thành công trong việc vượt qua các giới hạn của thám hiểm không gian truyền thống và mở ra những khả năng mới cho con người bước vào kỷ nguyên không gian. Tầm nhìn tích cực của SpaceX không chỉ truyền cảm hứng cho đội ngũ nhân sự của công ty mà còn mang lại động lực lớn cho toàn ngành công nghiệp không gian, vẽ nên một bức tranh đầy hứng khởi cho việc hiện thực hóa giấc mơ không gian của con người.
SpaceX's Network Effects and Innovation Strategy Analysis, Highlights in Business, Economics and Management