Tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn với sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào xuất khẩu, lĩnh vực nông sản và thực phẩm đối mặt với thách thức về duy trì và tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt khi yêu cầu về chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc từ các thị trường cao cấp như châu Âu và Bắc Mỹ ngày càng khắt khe.
Công nhân đóng gói nguyên liệu làm mì gạo Luosifen tại công ty chế biến thực phẩm ở Liễu Châu, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Xinhua/Huang Xiaobang)
Trung Quốc đã có 634.633 chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 tại 639.727 địa điểm và là quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng chứng nhận ISO 9001 (Nguồn: ISO Survey of Certifications 2023). Con số này cho thấy cam kết và quyết tâm của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm.
Tăng trưởng xuất khẩu nhờ chứng nhận ISO 9001
Việc áp dụng và chứng nhận ISO 9001 đã chứng minh hiệu quả rõ rệt trong việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản và thực phẩm. Chứng nhận này không chỉ là công cụ quản lý chất lượng hiệu quả mà còn là "hộ chiếu" để sản phẩm, hàng hóa thâm nhập vào thị trường quốc tế. Doanh nghiệp đạt chuẩn ISO 9001 dễ dàng chứng tỏ khả năng đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng và an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao uy tín và và năng lực cạnh tranh để mở rộng thị trường trên phạm vi toàn cầu.
(Nguồn: Zhiqing Yang, Peiyao Liu, Lianfa Luo, 2023)
Xuất khẩu của doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9001 và không có chứng nhận
Phân tích số liệu của các doanh nghiệp nông sản, thực phẩm trong giai đoạn 2000-2016 cho thấy các doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9001 đạt mức xuất khẩu cao hơn đáng kể (biểu đồ trên). Điều này khẳng định vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong việc mở rộng thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như EU và Mỹ. Khách hàng quốc tế tin tưởng vào chất lượng sản phẩm từ các doanh nghiệp đạt chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng, giúp những doanh nghiệp này dễ dàng xâm nhập và tạo dựng vị thế vững chắc trên thị trường quốc tế.
Thúc đẩy các hoạt động cải tiến và đổi mới
Áp dụng và chứng nhận ISO 9001 còn là động lực thúc đẩy cải tiến và đổi mới tại doanh nghiệp. Quá trình xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001 giúp doanh nghiệp nhận diện rõ các hạn chế và cơ hội cải tiến. Điều này tạo điều kiện để doanh nghiệp tìm kiếm và áp dụng các giải pháp mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.
Các cuộc đánh giá chất lượng nội bộ định kỳ, theo dõi phản hồi trong nội bộ, của khác hàng và thực hiện hành động khắc phục - phòng ngừa giúp doanh nghiệp liên tục cải tiến, đổi mới để thích ứng nhanh chóng với những thay đổi của thị trường. Ngoài ra, quá trình đào tạo CBNV về tư duy chuẩn hóa, cải tiến cũng góp phần xây dựng một đội ngũ năng động và sáng tạo hơn. Nhờ đó, doanh nghiệp không chỉ cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế với những sản phẩm chất lượng cao, thỏa mãn các yêu cầu khắt khe của khách hàng một cách ổn định.
Tác động khác nhau giữa các nhóm doanh nghiệp
Tác động của chứng nhận ISO 9001 đối với xuất khẩu không đồng đều giữa các nhóm doanh nghiệp. Các công ty chế biến thực phẩm hưởng lợi nhiều hơn công ty sản xuất nông sản thô, có thể là do ngành chế biến phải đáp ứng yêu cầu cao hơn về chất lượng và an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, các doanh nghiệp chế biến thực phẩm chú trọng hơn vào việc áp dụng và đạt chứng nhận ISO 9001 để kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Các doanh nghiệp tư nhân cũng nhận được lợi ích nhiều hơn từ chứng nhận ISO 9001 so với doanh nghiệp nhà nước, do nhóm doanh nghiệp này ít được hỗ trợ tài chính và pháp lý từ chính phủ. Chứng nhận ISO 9001 trở thành công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp tư nhân tạo dựng uy tín về chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Để thúc đẩy xuất khẩu trong lĩnh vực nông sản và thực phẩm, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng ISO 9001 nhằm xây dựng niềm tin với khách hàng. Chính phủ có thể hỗ trợ bằng cách phát triển hệ thống các tổ chức chứng nhận, cung cấp chuyên gia huấn luyện, đào tạo, hoặc trợ cấp cho các doanh nghiệp tham gia. Việc hỗ trợ tập trung vào các doanh nghiệp chế biến thực phẩm và khối tư nhân sẽ phát huy hiệu quả cao hơn, đồng thời tạo nền tảng thúc đẩy phát triển bền vững cho ngành nông sản và thực phẩm của Trung Quốc.