Tin tức

GIC là tổ chức đánh giá sự phù hợp, hoạt động trong lĩnh vực Thử nghiệm - Giám định - Chứng nhận

ISO 14001: Giải pháp xanh cho phát triển bền vững tại các khối kinh tế BRICS, MINT và G7 🌎💡


Trước những thách thức môi trường ngày càng gia tăng, các nền kinh tế lớn như BRICS, MINT và G7 đang áp dụng tiêu chuẩn quản lý môi trường ISO 14001 để giảm phát thải carbon và thúc đẩy phát triển bền vững. Từ chuyển đổi cơ cấu kinh tế đến ứng dụng công nghệ xanh, mỗi quốc gia đều đóng góp các giải pháp thiết yếu nhằm xây dựng một tương lai xanh. 🌍🌱
 
Việc áp dụng hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 hiện nay đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của nhiều quốc gia và doanh nghiệp. Là tiêu chuẩn được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) ban hành, ISO 14001 hỗ trợ các doanh nghiệp giảm thiểu tác động tiêu cực của quá trình sản xuất - kinh doanh tới môi trường. Bài viết này dựa trên kết quả nghiên cứu của Elvis K. Ofori và cộng sự nhằm đánh giá tác động của hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 và vai trò của đổi mới công nghệ, chuyển đổi cơ cấu kinh tế đối với giảm thiểu ô nhiễm và thúc đẩy phát triển bền vững tại các khối kinh tế BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), MINT (Mexico, Indonesia, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ), và G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh, Mỹ).

Để thực hiện nghiên cứu, nhóm tác giả đã thu thập dữ liệu từ các quốc gia thuộc ba khối kinh tế, gồm các thông tin về phát thải carbon, số lượng bằng sáng chế (giúp phân tích về đổi mới công nghệ), năng lượng tái tạo, và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Bằng cách sử dụng bộ ước lượng Driscoll-Kraay (DK) và mô hình hiệu ứng cố định (Fixed Effects Model), nhóm nghiên cứu đã xác định mức độ ảnh hưởng của ISO 14001 trong từng khối kinh tế. Các yếu tố như công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), tăng trưởng kinh tế và giá trị gia tăng từ các ngành dịch vụ được xem xét để phân tích tác động qua lại giữa ISO 14001 và các yếu tố khác đến phát thải carbon. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng tác động của chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 đối với giảm phát thải carbon có sự khác biệt rõ rệt giữa ba khối kinh tế, với mỗi khối có các đặc điểm và mức độ ảnh hưởng riêng. Khác biệt này phản ánh sự đa dạng trong cách thức áp dụng hệ thống quản lý môi trường vào chiến lược phát triển bền vững của từng khu vực. 
 
Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 và phát thải carbon

Khối G7: Tại các quốc gia phát triển khối G7, ISO 14001 có tác động rõ rệt trong việc giảm thiểu phát thải carbon. Các doanh nghiệp G7 áp dụng hệ thống quản lý môi trường như một phần của chiến lược phát triển bền vững, nhằm đáp ứng mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường và giảm phát thải. Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 14001 góp phần làm giảm khoảng 0,17% lượng phát thải carbon.

Khối BRICS và MINT: Tại các quốc gia đang phát triển thuộc khối BRICS và MINT, tác động của ISO 14001 đối với việc giảm phát thải carbon không giống nhau. Có thể do nền kinh tế của các nước này phụ thuộc nhiều vào các ngành công nghiệp nặng và năng lượng hóa thạch, vì vậy việc áp dụng ISO 14001 chưa đạt hiệu quả tối ưu trong giảm thiểu phát thải. Ngoài ra, còn có thể do thiếu sự đồng bộ giữa ISO 14001 và các chính sách môi trường khác, cũng như hạn chế về hạ tầng và nguồn lực hỗ trợ.
 
Vai trò của đổi mới công nghệ 

Khối G7 và BRICS: Kết quả nghiên cứu cho thấy, dù đổi mới công nghệ thường được kỳ vọng giúp giảm ô nhiễm, nhưng ở khối G7 và BRICS, việc gia tăng đổi mới công nghệ trong một số trường hợp lại làm tăng phát thải carbon. Nguyên nhân có thể là do nhiều công nghệ mới vẫn cần phải tiêu thụ năng lượng hóa thạch cao. 

Khối MINT: Ngược lại, tại khối MINT, đổi mới công nghệ đã góp phần giảm phát thải carbon tới 8,3% nhờ vào ứng dụng các giải pháp công nghệ thân thiện với môi trường và năng lượng tái tạo. Kết quả này cho thấy các nước MINT đã khai thác hiệu quả công nghệ mới để đạt tăng trưởng bền vững mà không làm tăng phát thải.

Khối kinh tế Tác động của ISO 14001 (giảm phát thải carbon)
G7 -0.17%
BRICS Không rõ ràng
MINT Không rõ ràng
(Nguồn: Elvis K. Ofori và cộng sự, 2024)
Tác động của ISO 14001 đến phát thải carbon theo từng khối kinh tế

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế

Cả ba khối kinh tế đều ghi nhận việc giảm phát thải carbon khi chuyển dịch từ các ngành công nghiệp nặng sang ngành dịch vụ. Cụ thể, khi GTGT từ các ngành dịch vụ tăng 1%, lượng phát thải carbon giảm từ 0,41% (ở khối G7) đến 2,16% (ở khối BRICS). Điều này cho thấy chuyển đổi cơ cấu kinh tế có thể giúp giảm phát thải carbon đáng kể.


(Nguồn: Elvis K. Ofori và cộng sự, 2024)
Tác động của đổi mới công nghệ và chuyển đổi cơ cấu kinh tế đến phát thải carbon

Tác động của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)

Ở các quốc gia thuộc khối MINT và G7, CNTT và truyền thông, đặc biệt là điện thoại di động đã giúp giảm phát thải carbon khoảng 0,11% nhờ nâng cao hiệu quả quản lý và giảm thiểu tác động môi trường từ các hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, tại khối BRICS và trong toàn bộ mẫu nghiên cứu, tác động này chưa rõ ràng, có thể do ICT chưa được triển khai hiệu quả trong quản lý môi trường tại các quốc gia này.
 
Năng lượng tái tạo 

Kết quả nghiên cứu cho thấy năng lượng tái tạo có tác động tích cực trong việc giảm phát thải carbon tại các khối BRICS và MINT, nhưng tại khối G7 kết quả này chưa đạt được cao do một số rào cản như chi phí và hạn chế về chính sách. Việc áp dụng năng lượng tái tạo tại các khối này có tiềm năng thay thế dần nguồn năng lượng hóa thạch và giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.


(Nguồn: Elvis K. Ofori và cộng sự, 2024)
Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng hóa thạch tại từng khối kinh tế

Từ các kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất chính sách nhằm tối ưu hóa tác động của áp dụng và chứng nhận hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 trong việc giảm thiểu phát thải và thúc đẩy phát triển bền vững gồm: 

+) Khối BRICS và MINT

- Khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo: Các quốc gia cần hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo thông qua chính sách miễn giảm thuế và trợ cấp, giúp giảm chi phí, đồng thời cần tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng ISO 14001. 

- Tăng cường phổ biến và đào tạo về ISO 14001: Tổ chức các chương trình đào tạo và hội thảo phổ biến cho doanh nghiệp về hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ về lợi ích và cam kết áp dụng tiêu chuẩn. 

- Phát triển các chính sách ngành đặc thù: Ban hành quy định cụ thể theo từng ngành công nghiệp nhằm giảm thiểu phát thải và khuyến khích sản xuất xanh, sạch. 

+) Khối G7

- Chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm: Các quốc gia G7 cần tổ chức các chương trình trao đổi kiến thức, kinh nghiệm giúp các quốc gia BRICS và MINT học hỏi và triển khai ISO 14001 hiệu quả hơn.

- Hỗ trợ tài chính cho đổi mới công nghệ xanh: Chính phủ có thể hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ xanh để tạo điều kiện áp dụng kỹ nghệ tiên tiến, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. 

- Phát triển hạ tầng xanh: G7 có thể hợp tác với các quốc gia BRICS và MINT để phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và hệ thống giao thông bền vững, góp phần giảm thiểu phát thải.

 
(Nguồn: Elvis K. Ofori và cộng sự, 2024)
So sánh các khuyến nghị chính sách áp dụng ISO 14001 cho từng khối kinh tế

Từ những kết quả nghiên cứu cho thấy hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 có tiềm năng lớn trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thông qua giảm phát thải carbon, đặc biệt khi được kết hợp với các yếu tố như chuyển đổi cơ cấu kinh tế và áp dụng các công nghệ mới thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao các khối kinh tế cần có chiến lược và phương pháp tiếp cận phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của mình. Kết quả nghiên đã đưa ra những gợi ý thiết thực cho các nhà hoạch định chính sách, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng hệ thống quản lý môi trường một cách đồng bộ và linh hoạt để hỗ trợ quá trình chuyển đổi bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển trong dài hạn. Việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, thúc đẩy đổi mới công nghệ xanh, và tăng cường phổ biến, đào tạo về hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 sẽ là những giải pháp quan trọng để giảm thiểu tác động môi trường và cải thiện chất lượng sống, góp phần xây dựng một nền kinh tế xanh cho tương lai.

GIC Việt Nam tổng hợp
(Theo Impact of ISO 14001 certification in promoting sustainable development)

Chia sẻ: