Hỗ trợ

GIC là tổ chức đánh giá sự phù hợp, hoạt động trong lĩnh vực Thử nghiệm - Giám định - Chứng nhận

ISO 59004:2024 – Cẩm nang thực hành kinh tế tuần hoàn


Kinh tế tuần hoàn là chủ đề thu hút sự quan tâm của chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng khi mà việc bảo vệ tài nguyên và giảm thiểu tác động đến môi trường ngày càng trở nên cấp thiết. Trên thế giới, nhiều nền kinh tế phát triển như Liên minh Châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc đã triển khai các chính sách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. EU với Kế hoạch hành động cho kinh tế tuần hoàn (Circular economy action plan - CEAP) đã đặt ra các mục tiêu cụ thể để khuyến khích tái chế, tối ưu hóa sản xuất và giảm thiểu chất thải. Nhiều tập đoàn lớn như IKEA, Unilever và Adidas cũng đã chuyển đổi mô hình sản xuất để phù hợp với kinh tế tuần hoàn, với các sáng kiến như thiết kế sản phẩm dễ tái chế, sử dụng nguyên liệu tái tạo và cung cấp dịch vụ sửa chữa sau bán hàng.

Chương trình mua lại của IKEA tạo cơ hội cho đồ nội thất cũ có một cuộc sống mới (IKEA photo)
 
Kinh tế tuần hoàn (Circular Economy) được định nghĩa là “hệ thống kinh tế áp dụng cách tiếp cận hệ thống để duy trì dòng chảy tuần hoàn của tài nguyên, bằng cách phục hồi, giữ lại hoặc gia tăng giá trị của chúng, đồng thời đóng góp vào phát triển bền vững” (3.1.1 - ISO 59004:2024). Về bản chất, đây là một mô hình kinh tế khép kín, trong đó các nguồn lực được sử dụng và tái sử dụng tối đa, giảm thiểu chất thải. Thay vì vận hành theo mô hình tuyến tính truyền thống (sản xuất - tiêu dùng - thải bỏ), kinh tế tuần hoàn hướng đến việc kéo dài vòng đời sản phẩm thông qua các giai đoạn thiết kế, sản xuất, sử dụng và tái chế, biến sản phẩm cũ thành tài nguyên đầu vào cho chu kỳ mới. Ví dụ, một chiếc áo thun trong mô hình kinh tế tuyến tính sẽ được sản xuất, tiêu dùng và vứt bỏ khi không còn sử dụng. Trong kinh tế tuần hoàn, chiếc áo này có thể được sửa chữa, tái chế thành vật liệu mới hoặc thậm chí chuyển đổi thành sản phẩm khác như túi xách.
 
So sánh giữa Kinh tế tuyến tính và Kinh tế tuần hoàn
  Kinh tế tuyến tính Kinh tế tuần hoàn
Mô hình Sản xuất - tiêu dùng - thải bỏ Sản xuất - sử dụng - tái chế - sản xuất
Nguồn lực Sử dụng một lần rồi bỏ đi Được sử dụng tối đa và tái sử dụng nhiều lần
Tác động Gây ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên Giảm thiểu rác thải, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên
Mục tiêu Tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng sản lượng Phát triển bền vững, cân bằng giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường
Mục tiêu của kinh tế tuần hoàn là tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu rác thải ra môi trường, đồng thời bảo vệ môi trường thông qua hạn chế ô nhiễm không khí, nước, đất và bảo vệ đa dạng sinh học. Kinh tế tuần hoàn cũng hướng đến giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu không tái tạo, đảm bảo an ninh nguồn cung và thúc đẩy phát triển bền vững, tạo dựng một nền kinh tế mạnh mẽ, công bằng, bền vững cho các thế hệ tương lai.
 
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành các kế hoạch và chiến lược quốc gia như Đề án "Phát triển Kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam" theo Quyết định số 687/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hướng tới mục tiêu đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Các ngành công nghiệp lớn như dệt may, chế biến thực phẩm và năng lượng đang có những bước tiến đáng kể trong việc áp dụng mô hình này. Một số doanh nghiệp tiên phong như Vinamilk, Công ty Nhựa Bình Minh và Heineken Việt Nam, đã triển khai các giải pháp tuần hoàn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và giảm phát thải. Ví dụ, Vinamilk đã triển khai các dự án sử dụng năng lượng tái tạo và quản lý chất thải, còn Heineken Việt Nam áp dụng quy trình sản xuất tuần hoàn giúp tái chế nước thải và tận dụng phế phẩm làm năng lượng sinh học.

Hệ thống sấy cỏ sử dụng khí mê-tan tại trang trại Vinamilk giúp tiết kiệm chi phí điện năng (Vinamilk photo)
 
ISO 59004 – tiêu chuẩn hướng dẫn thực hiện kinh tế tuần hoàn
 
Nhằm giúp các doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững bằng cách chuyển đổi sang sử dụng tài nguyên tuần hoàn, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) đã ban hành tiêu chuẩn ISO 59004:2024 Circular economy — Vocabulary, principles and guidance for implementation cung cấp các nguyên tắc cốt lõi và hướng dẫn thực tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
 
Tiêu chuẩn được áp dụng cho các tổ chức mong muốn hiểu và cam kết hoặc đóng góp vào kinh tế tuần hoàn đồng thời thúc đẩy phát triển bền vững. Các tổ chức này có thể là tư hoặc công, hoạt động riêng lẻ hoặc hợp tác, không phân biệt loại hình, quy mô, vị trí pháp lý hoặc vị trí trong chuỗi giá trị hay mạng lưới giá trị cụ thể.
 
Các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn
 
Kinh tế tuần hoàn là mô hình yêu cầu sự thay đổi tư duy từ phương thức tuyến tính truyền thống sang phương thức tuần hoàn, tập trung vào quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên thông qua các chu kỳ kỹ thuật hoặc sinh học. Để thực hiện, doanh nghiệp cần xem xét toàn diện mối tương tác giữa các hệ thống môi trường, xã hội và kinh tế, trong đó hệ thống kinh tế được coi là một phần của hệ thống xã hội và cả hai phụ thuộc vào hệ thống môi trường.
 
Việc triển khai kinh tế tuần hoàn bao gồm các cách tiếp cận như kết nối dòng chảy tuyến tính, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, kéo dài tuổi thọ sản phẩm và thiết kế để tăng độ bền, nhằm giảm thiểu sự suy thoái và lãng phí tài nguyên. Các nguyên tắc dưới đây đóng vai trò cốt lõi trong việc thúc đẩy một nền kinh tế bền vững, nơi giá trị được tạo ra và chia sẻ một cách hiệu quả hơn:
 
- Tư duy hệ thống (Systems thinking): Các tổ chức áp dụng cách tiếp cận dựa trên vòng đời và có tầm nhìn dài hạn khi xem xét các tác động của mình đối với các hệ thống môi trường, xã hội và kinh tế.
- Tạo giá trị (Value creation): Các tổ chức phục hồi, duy trì hoặc gia tăng giá trị bằng cách cung cấp các giải pháp hiệu quả góp phần tạo ra giá trị kinh tế - xã hội và môi trường, đồng thời sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả.
- Chia sẻ giá trị (Value sharing): Các tổ chức hợp tác với các bên quan tâm trong chuỗi giá trị hoặc mạng lưới giá trị một cách toàn diện và công bằng, vì lợi ích và sự thịnh vượng của xã hội, thông qua việc chia sẻ giá trị được tạo ra từ các giải pháp cung cấp.
- Quản lý tài nguyên (Resource stewardship): Các tổ chức quản lý các nguồn lực và dòng tài nguyên một cách bền vững, bao gồm việc khép kín, làm chậm và thu hẹp dòng tài nguyên để đảm bảo khả năng tiếp cận và duy trì tài nguyên cho các thế hệ hiện tại và tương lai, đồng thời giảm thiểu rủi ro liên quan đến sự phụ thuộc vào tài nguyên nguyên khai.
- Truy xuất nguồn gốc tài nguyên (Resource traceability): Các tổ chức thu thập và duy trì dữ liệu để theo dõi tài nguyên trong suốt chuỗi giá trị của mình, đồng thời chịu trách nhiệm chia sẻ thông tin liên quan với các bên quan tâm.
- Khả năng phục hồi của hệ sinh thái (Ecosystem resilience): Các tổ chức xây dựng và thực hiện các chiến lược và thực hành nhằm bảo vệ và tăng cường khả năng phục hồi cũng như tái tạo của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, bao gồm việc ngăn chặn các tổn thất và phát thải gây hại, đồng thời xem xét các giới hạn của hành tinh.
 
Hành động cụ thể đóng góp cho kinh tế tuần hoàn
 
Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy doanh nghiệp xem xét toàn bộ chuỗi giá trị nhằm tối ưu hóa tài nguyên thông qua các hành động cụ thể. Các hành động này có thể được áp dụng để thu hẹp, làm chậm hoặc đóng vòng các dòng tài nguyên và hỗ trợ tổ chức tạo ra giá trị tuần hoàn. ISO 59004:2024 hướng dẫn các hành động chính đóng góp cho kinh tế tuần hoàn gồm:
 
+) Tạo giá trị gia tăng
- Thiết kế vì tính tuần hoàn: Tái thiết kế sản phẩm để dễ sửa chữa, bảo dưỡng, kéo dài tuổi thọ và giảm thiểu việc sử dụng tài nguyên.
- Nguồn cung tuần hoàn: Ưu tiên tài nguyên tái chế, tái tạo và tối ưu hóa chuỗi cung ứng.
- Mua sắm tuần hoàn: Mua sắm bền vững, tập trung vào sản phẩm tái sử dụng và giảm thiểu tác động tiêu cực.
- Tối ưu hóa quy trình: Nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu chất thải và sử dụng nước bền vững.
- Liên kết khu vực: Hợp tác giữa các tổ chức để chia sẻ tài nguyên, tối ưu hóa sử dụng tài nguyên tại khu vực, vùng hoặc thành phố.
 
+) Giữ gìn giá trị tài nguyên
- Giảm thiểu, tái sử dụng, tái định vị: Giảm nhu cầu, tái sử dụng sản phẩm hoặc linh kiện và tái sử dụng cho chức năng mới.
- Bảo trì và sửa chữa: Kéo dài tuổi thọ sản phẩm thông qua dịch vụ bảo trì.
- Mô hình dựa trên hiệu suất: Chuyển từ sở hữu sản phẩm sang thuê dịch vụ, giúp tăng hiệu quả sử dụng.
- Chia sẻ: Khuyến khích sử dụng chung, giúp tối ưu hóa tần suất sử dụng sản phẩm và giảm thiểu số lượng sản phẩm cần thiết.
- Tân trang và tái chế: Khôi phục sản phẩm với các chức năng mới hoặc kéo dài vòng đời.
 
+) Phục hồi giá trị
- Thu gom ngược: Thu hồi sản phẩm sau sử dụng để tái sử dụng, tái chế hoặc sửa chữa.
- Phân tầng tài nguyên: Tái sử dụng tài nguyên theo chất lượng giảm dần, cuối cùng là thu hồi năng lượng hoặc xử lý.
- Tái chế: Chuyển tài nguyên thành nguyên liệu mới, giảm thiểu chất thải.
- Quản lý chất thải: Quản lý chất thải đúng cách để giảm phát thải, bảo vệ môi trường.
 
+) Phục hồi hệ sinh thái
- Tái tạo hệ sinh thái: Loại bỏ chất gây hại, cải tạo đất và nguồn nước, bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo các dịch vụ hệ sinh thái dài hạn như cung cấp lương thực và kiểm soát lũ lụt.
 
+) Hỗ trợ chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn
- Giáo dục và nghiên cứu: Nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy hành vi tiêu dùng có trách nhiệm.
- Đổi mới: Áp dụng công nghệ, mô hình tổ chức và các giải pháp sáng tạo để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
- Hợp tác và mạng lưới: Hợp tác giữa các tổ chức, chia sẻ kiến thức và tạo dựng các sáng kiến đa bên.
- Chính sách và hệ thống pháp lý: Cải tiến khung pháp lý để hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, ưu tiên phòng chống và quản lý chất thải.
- Dịch vụ tài chính: Khuyến khích đầu tư bền vững, hỗ trợ quá trình chuyển đổi.
- Số hóa: Sử dụng công nghệ để quản lý dòng tài nguyên, thiết kế sản phẩm và tối ưu hóa tái chế.
 
Kinh tế tuần hoàn không chỉ mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp mà còn mang lại lợi ích sâu rộng cho cộng đồng, môi trường và nền kinh tế toàn cầu. Bằng cách tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải và bảo vệ đa dạng sinh học, mô hình này hướng tới xây dựng một tương lai bền vững, nơi các giá trị kinh tế, xã hội và môi trường được cân bằng và phát triển hài hòa.
 
Việc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn đòi hỏi nỗ lực không chỉ từ phía doanh nghiệp mà còn cần sự hỗ trợ từ các chính sách phù hợp, sự hợp tác của các bên liên quan và sự đổi mới trong tư duy và hành động. Áp dụng kinh tế tuần hoàn không chỉ là một giải pháp để đối mặt với các thách thức toàn cầu, mà còn là cơ hội để các tổ chức khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển bền vững.
 
Cam kết hướng tới kinh tế tuần hoàn chính là cam kết cho một tương lai mạnh mẽ, công bằng và bền vững hơn, mang lại lợi ích lâu dài cho cả thế hệ hiện tại và tương lai.
 
GIC Việt Nam
Chia sẻ: