Tin tức

GIC là tổ chức đánh giá sự phù hợp, hoạt động trong lĩnh vực Thử nghiệm - Giám định - Chứng nhận

Sự phù hợp của ISO 9001 trong bối cảnh chuyển đổi số


Trong kỷ nguyên chuyển đổi số và Công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp đang tận dụng công nghệ tiên tiến để bứt phá và dẫn đầu. Vậy, ISO 9001:2015 - tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng phổ biến hiện nay cần thay đổi như thế nào để tiếp tục thu hút và đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp?

ISO 9001 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng (QMS), được thiết kế để giúp các tổ chức đảm bảo rằng sản phẩm, dịch vụ luôn đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và các quy định liên quan, đồng thời không ngừng cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động. Phiên bản hiện hành, ISO 9001:2015 đã có những cải tiến đáng kể so với các phiên bản trước đây, bao gồm tiếp cận dựa trên rủi ro, tăng cường vai trò lãnh đạo và đơn giản hóa các yêu cầu về tài liệu, giúp các doanh nghiệp tích hợp quy định của tiêu chuẩn vào các hoạt động sản xuất - kinh doanh hàng ngày. Kể từ khi được ban hành đến nay, ISO 9001:2015 đã trở thành công cụ quan trọng giúp các tổ chức và doanh nghiệp trên toàn cầu xây dựng lòng tin và sự hài lòng của khách hàng, thông qua việc đảm bảo cung cấp sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt và ổn định.

Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của chuyển đổi số và Công nghiệp 4.0, môi trường kinh doanh ngày nay đã thay đổi đáng kể so với thời điểm ISO 9001 được ban hành năm 2015. Các hệ thống và quá trình truyền thống đang phải đối mặt với những thách thức mới khi các nền tảng công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoT) ngày càng được áp dụng rộng rãi. Điều này đặt ra câu hỏi liệu các yêu cầu của ISO 9001:2015 có còn đủ linh hoạt và phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thích ứng với môi trường kinh doanh kỹ thuật số hiện đại hay không?

Chuyển đổi số: Xu hướng tất yếu

Chuyển đổi số (Digital Transformation) đang trở thành xu hướng tất yếu và mang tính chiến lược đối với các doanh nghiệp trên toàn cầu. Đây là quá trình ứng dụng các công nghệ số vào mọi khía cạnh của hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa các quá trình và mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT) và điện toán đám mây đã và đang thay đổi cách các tổ chức vận hành, tạo ra sự kết nối liên tục và thông minh giữa các quá trình, hệ thống và dữ liệu.

Không chỉ dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số còn đòi hỏi sự thay đổi về tư duy quản lý, văn hóa tổ chức và cách tiếp cận chiến lược. Doanh nghiệp cần linh hoạt hơn, sáng tạo hơn để thích ứng nhanh với những thay đổi của thị trường và khai thác tối đa tiềm năng của các công nghệ mới. Trong bối cảnh này, các hệ thống quản lý truyền thống, bao gồm cả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, cần được xem xét lại để đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của môi trường kinh doanh hiện đại và hỗ trợ hiệu quả quá trình chuyển đổi số.

Phân tích sự phù hợp của ISO 9001:2015 trong bối cảnh chuyển đổi số

Qua các báo cáo nghiên cứu cho thấy, các vấn đề quan trọng về sự phù hợp của tiêu chuẩn ISO 9001:2015 đã được chỉ ra bao gồm:

+) Khoảng trống và sự lỗi thời:

ISO 9001:2015 hiện chưa tích hợp các yếu tố công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn và các giải pháp tự động hóa thông minh. Điều này dẫn đến sự thiếu linh hoạt trong việc quản lý các hệ thống phức tạp và đa chiều của các doanh nghiệp hiện đại.

Các nghiên cứu cũng cho thấy tiêu chuẩn cần được cập nhật để quản lý hiệu quả hơn các quá trình của hệ thống quản lý chất lượng, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngày càng kết nối chặt chẽ và phức tạp. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những doanh nghiệp đang áp dụng công nghệ số trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

+) Cần thiết phải cập nhật và tích hợp các yếu tố mới:

Bảo mật thông tin và an ninh mạng: Với sự gia tăng của công nghệ số và việc tích hợp dữ liệu trong toàn bộ chuỗi cung ứng, việc bảo vệ dữ liệu trở nên thiết yếu. Tiêu chuẩn hiện tại vẫn chưa cung cấp các hướng dẫn cụ thể về quản lý và bảo mật dữ liệu - một yếu tố quan trọng trong bối cảnh số hóa. Mặc dù ISO cũng đã ban hành tiêu chuẩn ISO/IEC 27001 về an toàn thông tin, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể xây dựng hệ thống và áp dụng theo tiêu chuẩn này. Vì vậy, cần xem xét bổ sung một số yếu tố quan trọng và viện dẫn tới ISO/IEC 27001 để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đảm bảo an toàn dữ liệu một cách linh hoạt và hiệu quả hơn

Quản lý rủi ro và dự báo: ISO 9001:2015 đã chuyển từ các hành động phòng ngừa truyền thống sang tư duy dựa trên rủi ro, tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy cần có các cơ chế dự báo và quản lý rủi ro tiên tiến hơn, đặc biệt là trong việc sử dụng phân tích dữ liệu và AI để nhận diện và xử lý các vấn đề tiềm ẩn trước khi phát sinh.

Tối ưu hóa ngôn ngữ và cấu trúc tiêu chuẩn: Nhiều đề xuất cho rằng cần đơn giản hóa và làm rõ ngôn ngữ trong các yêu cầu của ISO 9001 để giúp doanh nghiệp dễ hiểu và thực hiện hơn. Điều này sẽ giúp tiêu chuẩn trở nên thân thiện hơn với các DNNVV, là đối tượng đang gặp khó khăn trong việc áp dụng tiêu chuẩn do các yêu cầu phức tạp.

+) Yếu tố đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững:

Đổi mới sáng tạo và tích hợp công nghệ: Một số nghiên cứu nhấn mạnh rằng ISO 9001 cần bổ sung các nguyên tắc hỗ trợ đổi mới sáng tạo để phù hợp với Công nghiệp 4.0, khi mà sự tích hợp công nghệ và kết nối liên tục giữa các hệ thống là chìa khóa để cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Phát triển bền vững: Các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs) cần được tích hợp vào tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng nhằm giúp doanh nghiệp không chỉ tập trung vào hiệu quả chất lượng mà còn đảm bảo trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường.

Một số đề xuất cải tiến để ISO 9001:2015 phù hợp hơn với xu hướng chuyển đổi số

Tăng cường tích hợp công nghệ: bổ sung các yêu cầu chi tiết hơn về an toàn bảo mật thông tin, quản lý dữ liệu và phân tích dự đoán, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ mới, bao gồm AI và dữ liệu lớn, để tối ưu hóa quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ.

Cải thiện ngôn ngữ và cấu trúc tiêu chuẩn: Đơn giản hóa nội dung tiêu chuẩn để giúp doanh nghiệp dễ hiểu và thực thi, đồng thời cập nhật các nguyên tắc quản lý chất lượng để phản ánh sự linh hoạt cần thiết trong bối cảnh công nghệ số liên tục thay đổi.

Hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững: Tích hợp các khái niệm về đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững vào tiêu chuẩn để các tổ chức có thể dễ dàng áp dụng các phương pháp tiếp cận mới, nâng cao hiệu quả và đáp ứng các yêu cầu về trách nhiệm xã hội và môi trường.

Tiêu chuẩn ISO 9001:2015 hiện vẫn đang cung cấp những hướng dẫn quan trọng cho công tác quản lý chất lượng, nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu phức tạp của chuyển đổi số. Việc điều chỉnh và bổ sung các yêu cầu mới là cần thiết để tiêu chuẩn tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt trong bối cảnh công nghệ phát triển không ngừng. Các doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng để đảm bảo tính hiệu quả và thích ứng với các xu hướng mới.

Tuy nhiên, cần tiếp tục có những nghiên cứu về xây dựng một mô hình quản lý chất lượng tích hợp sâu hơn với các công nghệ số, đồng thời đề xuất cách tiêu chuẩn ISO 9001 có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi số một cách hiệu quả và an toàn. Những nghiên cứu này có thể tập trung vào việc tích hợp các hệ thống thực ảo (Cyber Physical System- CPS), sử dụng AI để quản lý và cải tiến quá trình, khai thác dữ liệu lớn để dự đoán và kiểm soát các vấn đề tiềm ẩn về chất lượng.
 
GIC Việt Nam
Chia sẻ: