Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) vừa mới công bố tiêu chuẩn PAS 53002:2024 Hướng dẫn đóng góp vào các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, nhằm cung cấp các hướng dẫn chi tiết giúp doanh nghiệp tối ưu hóa các đóng góp vào việc đạt được 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Tiêu chuẩn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược, các hoạt động và quá trình ra quyết định của doanh nghiệp, từ đó không chỉ mang lại lợi ích cho cộng đồng mà còn giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.
Được phát triển dựa trên các tiêu chuẩn của UNDP về tác động của SDGs, PAS 53002:2024 khuyến khích các doanh nghiệp xác định và quản lý tác động đối với các bên liên quan, đồng thời thiết lập các mục tiêu SDGs rõ ràng, đo lường được và phù hợp với chiến lược phát triển bền vững một cách toàn diện.
Với cách tiếp cận toàn diện và hệ thống, tiêu chuẩn PAS 53002 cung cấp một khung hành động rõ ràng để doanh nghiệp điều chỉnh các hoạt động sản xuất - kinh doanh, sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Qua đó, PAS 53002:2024 đóng góp vào việc phát triển mô hình tăng trưởng bền vững và bao trùm, giúp doanh nghiệp có thể đối phó tốt hơn với các rủi ro liên quan đến phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng các yêu cầu từ chính phủ, nhà đầu tư và cộng đồng.
Tiêu chuẩn cũng nhấn mạnh vai trò của quản lý và cải tiến liên tục theo chu trình Plan-Do-Check-Act (PDCA), giúp doanh nghiệp không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động và trách nhiệm đối với môi trường và xã hội, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và những thách thức toàn cầu như hiện nay.
ISO/UNDP PAS 53002:2024 được dự kiến sẽ là công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp chuyển từ việc cố gắng “đáp ứng” các Mục tiêu Phát triển Bền vững thành chủ động khởi xướng và thực hiện những hành động thiết thực, giúp tạo dựng một tương lai bền vững cho toàn cầu.
NIKE – doanh nghiệp có đóng góp hàng đầu vào các Mục tiêu Phát triển Bền vững
- Tích hợp SDGs vào hoạt động sản xuất - kinh doanh chính: Đưa các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) vào chiến lược sản xuất - kinh doanh. Các mục tiêu này không chỉ là phần bổ sung mà phải trở thành một phần cốt lõi của hoạt động doanh nghiệp. Tích hợp các hoạt động liên quan đến SDGs vào các hệ thống quản lý hiện có (như hệ thống quản lý chất lượng, môi trường) để đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả.
- Cam kết của lãnh đạo: Ban lãnh đạo cần thiết lập các chính sách và mục tiêu cụ thể liên quan đến SDGs, đảm bảo những chính sách này phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển của doanh nghiệp. Lãnh đạo cần đảm bảo cung cấp đầy đủ nguồn lực và khuyến khích văn hóa đổi mới sáng tạo trong việc thực hiện các mục tiêu bền vững.
- Hợp tác và quan hệ đối tác: Doanh nghiệp cần tham gia hợp tác với các bên liên quan như cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ (NGO), nhà cung cấp và cộng đồng địa phương để xác định các Mục tiêu Phát triển Bền vững chung và xây dựng các giải pháp hợp tác. Tìm kiếm các đối tác hợp tác chia sẻ dữ liệu, công nghệ, và tài nguyên để thúc đẩy việc đạt được các SDGs.
- Đánh giá tác động và đổi mới sáng tạo: Doanh nghiệp cần đánh giá thường xuyên tác động xã hội, môi trường, và kinh tế của mình để xác định các lĩnh vực cần cải thiện. Khuyến khích đổi mới sáng tạo để phát triển các giải pháp mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và áp dụng các phương pháp thực hành bền vững, ví dụ như sử dụng năng lượng tái tạo hoặc giảm thiểu chất thải.
- Sự minh bạch và trách nhiệm giải trình: Doanh nghiệp cần đảm bảo tính minh bạch bằng cách ghi chép và báo cáo đầy đủ về các đóng góp vào SDGs, bao gồm cả tác động tích cực và tiêu cực. Sử dụng cách tiếp cận dựa trên dữ liệu để theo dõi tiến độ và đưa ra các quyết định sáng suốt về các sáng kiến bền vững.
- Nâng cao năng lực và thực hành kinh doanh bao trùm (Inclusive business): Thực hiện các chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng của CBNV liên quan đến phát triển bền vững. Đảm bảo cơ hội công bằng cho các nhóm người dễ bị tổn thương và chưa được công nhận, góp phần tạo nên một môi trường kinh doanh bao trùm và không bỏ lại ai phía sau trong quá trình đạt được các SDGs.
Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc - Sustainable Development Goals
Chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển Bền vững, được tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc thông qua vào năm 2015, đưa ra một kế hoạch chung hướng tới một tương lai công bằng - hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người và hành tinh. Trọng tâm của Chương trình là 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc, đây là lời kêu gọi hành động khẩn cấp đối với tất cả các quốc gia - cả phát triển và đang phát triển - trong một mối quan hệ đối tác toàn cầu.
17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs - Sustainable Development Goals) gồm:
1. Xóa nghèo dưới mọi hình thức ở mọi nơi .
2. Xóa đói, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, đồng thời phát triển nông nghiệp bền vững.
3. Đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh và nâng cao phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi.
4. Đảm bảo giáo dục chất lượng, toàn diện và công bằng, đồng thời thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
5. Đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.
6. Đảm bảo sự sẵn có và quản lý bền vững nguồn nước và cải thiện các điều kiện vệ sinh cho tất cả mọi người.
7. Đảm bảo việc tiếp cận năng lượng giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người.
8. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạnh, toàn diện và bền vững, việc làm đầy đủ và năng suất, và công việc thỏa đáng cho tất cả mọi người.
9. Xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố, thúc đẩy công nghiệp hóa toàn diện và bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo.
10. Giảm bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia.
11. Xây dựng các đô thị và các khu dân cư mở cửa cho tất cả mọi người, an toàn, vững chắc và bền vững.
12. Đảm bảo các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững.
13. Hành động khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của nó.
14. Bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển phục vụ cho phát triển bền vững.
15. Bảo vệ, phục hồi và thúc đẩy việc sử dụng bền vững các hệ sinh thái đất liền, quản lý rừng bền vững, chống sa mạc hóa, ngăn chặn và đảo ngược sự suy thoái đất, và ngăn chặn sự mất mát đa dạng sinh học.
16. Thúc đẩy xã hội hòa bình và rộng mở cho phát triển bền vững, đảm bảo quyền tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và bao trùm ở mọi cấp độ.
17. Tăng cường phương thức thực hiện và làm mới quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.