Tin tức

GIC là tổ chức đánh giá sự phù hợp, hoạt động trong lĩnh vực Thử nghiệm - Giám định - Chứng nhận

Đảm bảo chất lượng: Yếu tố quan trọng cho sự thành công của doanh nghiệp


Trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh, doanh nghiệp cần phải nỗ lực hơn bao giờ hết để giành được lòng tin từ khách hàng. Một yếu tố then chốt để đạt được điều đó chính là đảm bảo chất lượng (QA). QA không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì sự ổn định trong sản xuất – kinh doanh mà còn giúp xây dựng niềm tin bền vững với khách hàng thông qua các cam kết về chất lượng.

Niềm tin chính là yếu tố then chốt giúp thế giới vận hành. Không có niềm tin, nền tảng xã hội sẽ sụp đổ, các mối quan hệ cũng sẽ bị rạn nứt. Điều này cũng đúng với các doanh nghiệp – nếu không có niềm tin từ khách hàng, doanh nghiệp không thể tồn tại.

Tuy nhiên, niềm tin không tự nhiên mà có. Cũng giống như sự tôn trọng, niềm tin phải được xây dựng qua những cam kết về tính nhất quán, đáng tin cậy và sự kiểm soát chặt chẽ. Trong mỗi quá trình hoạt động của doanh nghiệp – từ sản xuất, giao hàng đến tiêu thụ sản phẩm – niềm tin không thể tồn tại nếu không có đảm bảo chất lượng.

Toyota nổi tiếng với những chiếc xe bền bỉ nhờ sự chú trọng hàng đầu vào đảm bảo chất lượng

Đảm bảo chất lượng (Quality Assurance - QA) là một tập hợp các hoạt động bao quát các lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong quản lý chất lượng và đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng văn hóa cải tiến liên tục. QA tham gia vào tất cả các khâu của quá trình sản xuất sản phẩm: từ sản xuất, kiểm tra thử nghiệm, đóng gói đến giao hàng.

Mục tiêu chính của QA là giảm thiểu rủi ro phát sinh lỗi và xử lý các lỗi ngay từ đầu trong chuỗi giá trị. Điều này giúp giảm số lượng lỗi được phát hiện ở giai đoạn kiểm tra cuối cùng, khi đó việc khắc phục lỗi trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Một hệ thống QA được quản lý chặt chẽ giúp phát hiện và khắc phục lỗi sớm, qua đó tiết kiệm thời gian, chi phí và bảo vệ uy tín thương hiệu của doanh nghiệp.

Hệ thống QA đòi hỏi phải thiết lập các quy trình kỹ thuật và quản lý để giám sát và cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ. QA đảm bảo các quá trình kiểm tra sản phẩm, kiểm soát nhân sự, đánh giá an toàn thiết bị được thực hiện, nhằm duy trì và nâng cao tiêu chuẩn chất lượng. Bên cạnh đó, QA còn đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định ngành, giúp doanh nghiệp tăng cường lợi thế cạnh tranh và góp phần trực tiếp vào việc gia tăng lợi nhuận.

Khái niệm về chất lượng (quality) đã xuất hiện từ thời xa xưa trong nền văn minh nhân loại, còn khái niệm đảm bảo chất lượng (QA) và kiểm soát chất lượng (Quality Control - QC) gắn liền với sự phát triển của sản xuất hiện đại. Từ các nền văn minh cổ đại như Hy Lạp và Ai Cập, các tiêu chuẩn chất lượng đã được thiết lập rõ ràng trong lĩnh vực xây dựng và các ngành nghề thủ công. Những tiêu chuẩn này tiếp tục được duy trì và phát triển qua thời Trung Cổ, với sự hình thành các hiệp hội nghề nghiệp và quy định tiêu chuẩn cho từng ngành. Cuộc cách mạng công nghiệp, chuyển đổi từ sản xuất thủ công sang sản xuất hàng loạt, đã đặt nền móng cho quản lý chất lượng hiện đại. Trong thập niên 1930 và 1940, Walter Shewhart tại Bell Labs đã đề xuất chu trình Plan-Do-Study-Act (PDSA), đặt nền tảng cho các hoạt động kiểm soát chất lượng (QC) hiện đại. Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, William Edwards Deming, một chuyên gia về quản lý chất lượng, đã áp dụng PDSA tại Nhật Bản, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản.

Trong bộ tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000, đảm bảo chất lượng (QA) và kiểm soát chất lượng (QC), cùng với hoạch định chất lượng (quality planning) và cải tiến chất lượng (quality improvement) tạo thành quản lý chất lượng (quality management). Trong đó, hoạch định chất lượng giúp thiết lập mục tiêu, quy định các quá trình tác nghiệp cần thiết và các nguồn lực để đạt được các mục tiêu chất lượng. QA tập trung vào việc đảm bảo rằng các yêu cầu chất lượng được thực hiện, bao gồm tuân thủ quy trình và ngăn ngừa lỗi. QC tập trung vào việc thực hiện các yêu cầu chất lượng thông qua kiểm tra, phát hiện và sửa chữa lỗi. Còn “cải tiến chất lượng” giúp nâng cao khả năng thực hiện các yêu cầu chất lượng. Những yếu tố này phối hợp với nhau để kiểm soát các khía cạnh ảnh hưởng đến chất lượng, đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ đáp ứng các yêu cầu một cách ổn định, đồng thời nâng cao sự hài lòng của khách hàng.

Trong thị trường cạnh tranh hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư thích đáng vào đảm bảo chất lượng (QA) đang thu được nhiều lợi ích, từ việc giảm thiểu rủi ro, giảm lỗi, nâng cao hiệu quả hoạt động, đến xây dựng niềm tin và uy tín với khách hàng. Đảm bảo chất lượng giúp doanh nghiệp không chỉ tối ưu hóa quy trình sản xuất và dịch vụ, mà còn giảm thiểu chi phí phát sinh do lỗi và khiếu nại. Đồng thời, QA đảm bảo sản phẩm và dịch vụ luôn đạt tiêu chuẩn nhất quán, góp phần tạo ra sự khác biệt và nâng cao lợi thế cạnh tranh. Như vậy, QA chính là yếu tố quan trọng tạo nên thương hiệu đáng tin cậy mà khách hàng và các bên liên quan có thể tin tưởng lựa chọn, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong dài hạn.
 

GIC Việt Nam
(Tổng hợp từ ISO)
Chia sẻ: